Dự báo nhu cầu vốn lưu động dựa trên tăng trưởng doanh thu
Đây là một phương pháp dự báo nhu cầu vốn ngắn hạn và đơn giản. Khi áp dụng phương pháp này đòi hỏi người thực hiện phải hiểu đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Đây là một phương pháp dự báo nhu cầu vốn ngắn hạn và đơn giản. Khi áp dụng phương pháp này đòi hỏi người thực hiện phải hiểu đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (quy trình sản xuất, tính chất của sản phẩm, tính thời vụ…) và phải hiểu tính quy luật của mối quan hệ giữa doanh thu với tài sản, tiền vốn, phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Tài liệu dùng để dự báo bao gồm: các báo cáo tài chính kỳ trước và dự kiến doanh thu của kỳ kế hoạch.
Phương pháp này được tiến hành qua 4 bước sau đây.
Bước 1: Tính số dư bình quân của các khoản mục trong bảng cân đối kế toán kỳ thực hiện
Bước 2: Chọn các khoản mục trong bảng cân đối kế toán chịu sự tác động trực tiếp và có quan hệ chặt chẽ với doanh thu, và tính tỷ lệ phần trăm của các khoản đó so với doanh thu thực hiện (DT0) trong kỳ.
Chú ý rằng chỉ chọn các khoản, mục nào đồng thời thoả mãn cả hai điều kiện là quan hệ chặt chẽ và trực tiếp với doanh thu. Trong thực tế cho thấy toàn bộ các khoản mục tài sản ngắn hạn bên phần tài sản (Tiền, nợ phải thu, vốn tồn kho… sau khi đã loại trừ các yếu tố bất hợp lý như: nợ không có khả năng thu hồi, hàng hoá, vật tư mất, kém phẩm chất, chậm luân chuyển, không cần dùng…), và các khoản mục vốn chiếm dụng bên phần nguồn vốn (phải trả nhà cung cấp, phải thanh toán cán bộ công nhân viên, phải nộp ngân sách sau khi đã loại trừ các yếu tố bất hợp lý như nợ vô chủ…) thoả mãn điều kiện này.
Bước 3: Dùng tỷ lệ phần trăm đó để ước tính nhu cầu vốn kinh doanh cho năm kế hoạch trên cơ sở doanh thu dự kiến (DT1) năm kế hoạch.
VLĐ tăng thêm = (DT1- DT0)( % TSLĐ- % NVCD)
- Tổng tỷ lệ phần trăm của phần tài sản lưu động cho biết: Muốn tạo ra một đồng doanh thu thì phải có bao nhiêu đồng vốn đầu tư vào tài sản lưu động.
- Tổng tỷ lệ phần trăm bên phần nguồn vốn chiếm dụng cho biết: khi tạo ra một đồng doanh thu thì chiếm dụng đương nhiên được bao nhiêu đồng vốn (nguồn vốn phát sinh tự động).
- Chênh lệch của hai tỷ lệ này cho biết: Vậy thực chất khi tăng một đồng doanh thu thì doanh nghiệp chỉ cần tài trợ bao nhiêu đồng vốn đầu tư vào tài sản lưu động
- Tích của phần doanh thu tăng thêm với chênh lệch của hai tỷ lệ này chính là nhu cầu vốn lưu động (ngắn hạn) cần phải bổ sung cho kỳ kế hoạch.
Bước 4: Định hướng nguồn trang trải nhu cầu tăng vốn kinh doanh trên cơ sở kết quả kinh doanh kỳ kế hoạch.
Nguồn trang trải nhu cầu vốn tăng thêm gồm 2 phần: trước hết là nguồn lợi nhuận để lại của năm kế hoạch, sau nữa là nguồn huy động từ bên ngoài
Ví dụ 1: Công ty cổ phần ABC có tài liệu sau:
Năm hiện hành
1. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm : 4.000 triệu đồng
2. Bảng cân đối kế toán ngày 31/12:
Năm kế hoạch
1. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm dự kiến là 5.200 triệu đồng .
2. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu dự kiến là 5% .
3. Công ty dự kiến vẫn duy trì hệ số chi trả cổ tức là 0,5; phần còn lại sẽ dùng để bổ sung nhu cầu tăng vốn kinh doanh.
Yêu cầu :
1. Xác định nhu cầu vốn lưu động tăng thêm của năm kế hoạch so với năm báo cáo?
2. Định hướng nguồn trang trải cho nhu cầu tăng vốn năm kế hoạch?
Phương án giải quyết
- %TSLĐ so với DT0 = (1130+1150)/2/4000 = 28,5%
- %NVCD so với DT0 = 800/2/4000 = 10%
- VLĐ tăng thêm = 1200*18,5% = 222 trđ
Định hướng nguồn trang trải
- Lợi nhuận bổ sung vốn = 5%*5200*0,5 = 130 trđ
- Nguồn huy động: 222-130 = 92 trđ
Nguồn: Giám Đốc Tài Chính tập hợp